top of page
Ảnh của tác giảAdmin

"ĐỂ LẠI NĂM NÀY NỮA"




ĐỀ TÀI: ĐẤNG GIA HẠN CHO CHÚNG TA

KINH THÁNH (LUA-CA 13:6-9)

 

Dẫn nhập:

 

Chúa Jêsus từng kể hơn 40 câu chuyện ẩn dụ trong bốn sách phúc âm. Mỗi ẩn dụ của Ngài đều mang một bài học có giá trị vĩnh cửu của thiên đàng. Những ẩn dụ nổi tiếng như: Con trai hoang đàng, 4 loại đất, Người Sa-ma-ri nhân lành..v.v.

 

Trong các ẩn dụ của Chúa Jêsus thì ẩn dụ “Cây vả đưng/không trái” là ngắn nhất, nhưng nó cho chúng ta một bài học thần học quan trọng về thần tính Thánh khiết và Yêu thương của Đức Chúa Trời.

 

Trước tiên chúng ta sẽ tìm câu chìa khóa để hiểu bối cảnh và lý do tại sao Chúa Jêsus đã kể câu chuyện ẩn dụ này. Thứ hai là chúng ta sẽ tìm hiểu xem Chúa Jêsus đã hàm ý nói “vườn nho và cây vã” là ai? Hay nhóm người nào? Và sau cùng là chúng ta cũng sẽ tìm hiểu xem người Chủ vườn và người Làm vườn là ai?

 

1.     Nếu như không ăn năn

 

Từ câu 1-5 trong đoàn này cho chúng ta biết bối cảnh của câu chuyện ngụ ngôn này. Lúc bấy giờ Chúa Jêsus đang giảng dạy cho hàng ngàn người thì có một số người cắt ngang sự giảng dạy của Ngài và nói rằng:

 

Câu 1: “Cũng lúc ấy, có mấy người ở đó thuật cho Đức Chúa Jêsus nghe về việc Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của-lễ họ.”

 

Chúng ta biết rằng: Tổng trấn Phi-lát là một tay cáo già về chính trị. Ông ta đã giết những người nỗi loạn Do-thái lúc bấy giờ họ đang trốn trong nhà hội, và ông ta đã dùng huyết của họ để trộn vào của lễ mà họ đang dâng cho Chúa. Đó là một hành động răn đe rất tàn nhẫn và xúc phạm. 

 

Chúng ta biết rằng, lúc bấy giờ Chúa Jêsus cũng đang nổi tiếng, và Ngài cũng là người gốc ở xứ Ga-li-lê, phải chăng những người này muốn đưa ra vụ án mạng này để “cảnh cáo” và lên án Chúa Jêsus hay sao?

 

Và Chúa Jêsus đã trả lời cho những người đó rằng:

 

Câu 2-3: “Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn-nạn đường ấy, có tội-lỗi trọng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; sống nếu các ngươi chẳng ăn-năn, thì hết thảy sẽ bị hư-mất như vậy.”

 

Như vậy câu chìa khóa ở đây là “song nếu các ngươi chẳng ăn-năn thì hết thảy sẽ bị hư-mất như vậy.”

 

Ứng dụng: Thông thường chúng ta thường đem những câu chuyện của người khác ra kể nhằm lên án và kết tội người khác. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, nếu mỗi cá nhân chúng ta không ăn năn về những tội lỗi của mình thì chúng ta sẽ bị hư mất. 

 

Tôi có thể nói như thế này: Trên thiên đàng không có người vô tội, mà tất cả đều là những người có tội mà biết ăn-năn; dưới địa ngục thì tất cả là những người có tội mà không biết ăn-năn. 

 

Người dọn đường cho Chúa Jêsus là Giăng Báp-tít giảng bài giảng đầu tiên là:

 

·      “Các ngươi phải ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:2)

 

Sứ điệp đầu tiên mà Chúa Jêsus rao giảng là sự ăn-năn:

 

·      “Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng-dạy rằng: Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17)

 

Phi-e-rơ giảng bài giảng đầu tiên trong ngày lễ Ngũ tuần:

 

·      “Vậy, các ngươi hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi,” (Công vụ 3:19)

 

Đức Thánh Linh phán với Hội thánh Ê-phê-sô:

 

·      “Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa-sút từ đâu, hãy ăn-năn và làm lại những công-việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn-năn thì ta sẽ cất chân-đèn của ngươi khỏi chỗ nó.” (Khải Huyền 2:5)

 

Ứng dụng: Sáng hôm nay, điều quan trọng đầu tiên mà tôi muốn gửi đến quý vị chính là lời phán của Chúa Jêsus “hãy ăn-năn nếu không thì chúng ta sẽ hư mất.” Hay nói cách khác là, chúng ta hãy ăn-năn để linh hồn chúng ta được cứu rỗi và kinh nghiệm được tình thương và ân điển của Chúa Jêsus.

 

·      Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ hỏi: Vậy, ăn-năn là như thế nào?

 

Trả lời: Ăn-năn là nhận biết mình có tội, trở lại cùng Chúa Jêsus để được Ngài tha tội, và quyết tâm từ bỏ tội lỗi của mình.

 

Ví dụ: Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bán Chúa lấy 30 đồng, sau đó hối hận đi tự vẫn (đó là hối hận không phải ăn năn.)

 

Ví dụ: Phi-e-rơ chối Chúa ba lần (tội tương đương với Giu-đa), sau đó ông đấm ngực xin Chúa tha tội cho mình (đó chính là ăn-năn.)

 

Và, nhiều người sẽ nói: Tôi có tội gì mà phải ăn năn? Vâng, đó là vấn đề thứ hai mà chúng ta sẽ nói tiếp sau đây!

 

2.     Tội không sinh trái

 

Chúa Jêsus bắt đầu câu chuyện ẩn dụ rằng: Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình, đến hái trái mà không thấy; (câu 6)

 

Như vậy, vườn nho và cây vả ở đây là Chúa muốn ám chỉ đến ai?

 

Trong Kinh thánh Cựu ước thì vườn nho là hình ảnh của dân Y-sơ-ra-ên.

 

·      “Vả, vườn nho của Đức Giê-hô-va vạn-quân, ấy là nhà Y-sơ-ra-ên” (Ê-sai 7:5)

 

Trong Tân ước thì vườn nho là hình ảnh của Hội thánh.

 

·      Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. (Giăng 15:5)

 

Nhưng, vấn đề ở đây, Chúa không tìm hái trái nơi các cây nho, mà là một cây vả được trồng trong vườn nho. 

 

Ứng dụng: Chúa đặc biệt quan tâm đến cây vả, điều này muốn dạy chúng ta một điều quan trọng là Ngài quan tâm đến mỗi đời sống cá nhân của chúng ta. Nhất là đời sống của những ai như cây vả này không có trái. 

 

Đừng tưởng rằng, mọi thứ đều ổn, không ai biết mình có trái hay không, Chúa biết rõ đời sống của chúng ta. 

 

·      Chúng ta sẽ hỏi rằng: Đời sống tôi không có trái có nghĩa là gì?

 

Trả lời: Chúng ta cứ suy nghĩ, khi trồng một cái cây, theo điều tự nhiên là khi đến đúng ngày tháng thì nó tự nhiên sẽ ra trái. Nhưng cái cây vả này trước đây nó có trái hay không thì không biết, nhưng Chúa nói: Người chủ vườn nói đã ba năm liền nó không có trái. Như vậy cái sai trật của cây vả này là nó đánh mất khả năng tự nhiên của nó.

 

Ứng dụng: Chúa đặt trong chúng ta những khả năng tự nhiên, nếu một khi chúng ta đánh mất khả năng tự nhiên đó thì chúng ta phạm tội với Chúa. 

 

Chúa ban cho con người bản năng tín ngưỡng. Chúng ta biết có Ông Trời, là Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa. Nhưng thay vì chúng ta thờ phượng Đấng Tạo Hóa thì chúng ta lại thờ phượng các tạo vật. Chúng ta đã đánh mất bản năng tự nhiên.

 

Chúa ban cho con người có lương tâm. Từ bé thơ là chúng ta đã có khả năng nhận biết cái gì là sai, cái gì là đúng như: Nói dối, tham lam, hãm hại người khác…là tội! Nhưng một khi chúng ta làm những điều đó mà không cảm thấy lương tâm cắn rứt. Chúng ta đã đánh mất bản năng tự nhiên.

 

Chúa ban cho Cơ-đốc nhân bản chất mới là yêu thương, mà chúng ta sống không ban phát yêu thương, tha thứ mà chỉ tìm cách hãm hại người khác. Chúng ta đã đánh mất bản năng tự nhiên.

 

Thậm chí, Chúa ban cho Cơ-đốc nhân bản năng mới là cầu nguyện, đọc khinh thánh, thờ phượng, chứng đạo…! Nhưng nay không còn khả năng này nữa. Chúng ta đã đánh mất bản năng tự nhiên.

 

Ứng dụng: Khi nói rằng, chúng ta phải ăn năn thì đừng nghĩ rằng chúng ta không có làm điều gì đại ác, nhưng lời Chúa cho chúng ta biết rằng một khi chúng ta đánh mất bản năng tự nhiên của mình là chúng ta đang phạm tội với Chúa là Đấng trồng chúng ta trong thế giới này.

 

Nhiều người sẽ hỏi rằng: Như vậy tôi có cơ hội để làm lại không? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ bước qua điều thứ ba.

 

3.     Thời gian được gia hạn

 

Sau khi người chủ vườn không thấy cây vả ra trái đã ba năm liền thì ra lệnh đốn cây vả vì nó vô ích và choán đất. 

 

Câu 7: “bèn nói cùng kẻ trồng nho rằng: Kìa đã ba năm nay ta đến hái trái nơi cây vả này mà không thấy: Hãy đốn nó đi; cớ sao nó choán đất vô-ích?”

 

·      Như vậy, người chủ vườn nho là tượng trưng cho ai? 

 

Chúa Jêsus từng nói rằng: “Cha ta là người trồng nho.” (Giăng 15:1) Như vậy, người chủ vườn nho trong ẩn dụ này chính là Đức Chúa Trời.

 

Ứng dụng: Nếu như đời sống của chúng ta giống như cây vả, không ra trái, đánh mất khả năng tự nhiên mà Ngài đặt để trong chúng ta thì chúng ta sẽ không thể tránh khỏi sự phán xét của Chúa.

 

·      Có phải là Đức Chúa Trời quá nghiêm khắc hay không?

 

Đúng vậy, Đức Chúa Trời là Đấng công chính và thánh khiết, Ngài không thể chấp nhận tội lỗi. Nhưng đồng thời, Ngài cũng là Đấng Yêu thương. Chính vì thế mà Kinh thánh phán rằng:

 

·      Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời. (Giăng 3:16)

 

Và, Chúa Giê-su chính là người làm vườn. Ngài là người chăm sóc chúng ta, Ngài cũng chính là người đứng giữa Đức Chúa Trời và chúng ta. Kinh thánh gọi Ngài là Đấng Trung Bảo.

 

·      Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung-bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus-Christ, là người; (I Ti-mô-thê 2:5)

 

Chính Chúa Jêsus đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, Ngài xin gia hạn cho đời sống của chúng ta như người làm vườn trong ẩn dụ này.

 

Câu 8: "Kẻ trồng nho rằng: Thưa chúa, xin để lại năm này nữa, tôi sẽ đào đất xung-quanh nó rồi đổ phân vào." 


Ứng dụng: Nếu như Chúa Jesus không cầu thay cho chúng ta, Ngài không xin Đức Chúa Trời gian hạn cho chúng ta thì có lẽ tôi và quý vị đã phải bị bước vào sự phán xét của Đức Chúa Trời lâu rồi. 

 

Buổi sáng hôm nay, chúng ta còn có thể ngồi đây, nghe sứ điệp này, thì đó là nhờ vào tình yêu thương của Chúa Jesus. Chúng ta đừng xem thường mà đánh mất cơ hội ăn-năn và sinh bông trái cho Chúa. Vì Chúa hy vọng rằng chúng ta sẽ chịu sự "vun xới" của Ngài để rồi đời sống chúng ta kết quả.

 

Trong ẩn dụ này có nói con số ba năm, đó chính là số năm mà Chúa Jêsus đã ở trên đất cùng với dân Do-thái nhưng mà Ngài vẫn thấy họ cứng lòng. Cho nên, mục đích Chúa Jêsus đã kể câu chuyện ẩn dụ này là muốn dân Do-thái ngày xưa biết bỏ đi sự kiêu ngạo, cứng lòng mà ăn năn.


Ứng dụng: Ngày nay Đức Thánh Linh cũng dùng ẩn dụ này mời gọi quý vị là các thân hữu hãy ăn-năn và trở nên một đời sống kết quả như mục đích mà Chúa tạo dựng nên chúng ta. Các con cái Chúa cũng hãy ăn-năn mà tái kết ước đời sống mình cho Chúa.

 

Câu 9: "Có lẽ về sau nó sẽ ra trái; bằng không, chúa sẽ đốn."

 

Ứng dụng: Bao lâu rồi, chúng ta đã đánh mất khả năng tự nhiên của mình? Lòng tín ngưỡng của chúng ta đang đặt vào đâu mà không phải Ngài? Lương tâm chúng ta bao lâu rồi không còn phản ứng trước tội lỗi? Bao lâu rồi chúng ta bỏ qua những bản chất tự nhiên mà một người tái sinh phải có? Hôm nay, năm nay là thời điểm để chúng ta sinh trái.

 

Kết luận:


“Cho nên, Đức Thánh Linh phấn rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì chớ cứng lòng." (Hê-bơ-rơ 3:7)

 

Đừng nghĩ rằng, tôi không có tội gì phải ăn-năn, khi chúng ta không ra trái, nghĩa là chúng ta không có những điều tự nhiên như phải có là chúng ta đang phạm tội cùng Đức Chúa Trời.

 

Tôi mời gọi quý vị hãy nắm bắt cơ hội sáng hôm nay, hãy ăn-năn đến tiếp nhận Chúa Giê-su vào đời sống của mình nếu quý vị chưa tin Chúa. Hãy tái kết ước sống cho Chúa mục đích của Chúa nếu quý vị là những con cái Chúa.

 

Ngay giờ này, Kinh thánh nói: Chúa Jêsus đang cầu thay cho quý vị và tôi. Và Ngài hy vọng chúng ta không bị đốn nhưng sẽ ra trái. Hãy đến đón nhận sự vun xới của Chúa Thánh Linh ngay giờ này. 

 

Amen!

 

Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Ngọc Hùng cho Hội thánh Olympia trong sáng Chúa nhật 18/02/2024.

 

 

54 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

"HY VỌNG SỐNG"

Yorumlar


bottom of page